Con người Nam Bộ thân thương cùng những phẩm chất đáng quý!

Con người Nam Bộ thân thương cùng những phẩm chất đáng quý!
Ngày đăng: 23/08/2022 - Tác giả: Nguyễn Văn Ngon

    Nam bộ là vùng đất cuối cùng phía Nam của đất nước, nằm trong lưu vực hai con sông Đồng Nai và Cửu Long, chủ yếu ở vùng hạ lưu hai con sông lớn này. Nam bộ nằm rất gần biển Đông, là một vùng châu thổ màu mỡ với nhiều cửa sông đổ ra biển. Chính điều này đã tạo nên một Nam bộ trù phú, với biết bao huyền thoại thời mở đất.

    Tiến trình lịch sử của Nam bộ khác với những vùng đất khác, nó không phát triển liên tục mà bị đứt quãng. Điển hình là trên vùng đất này đã từng có vương quốc Phù Nam cổ xưa với nền văn hóa Óc Eo một thời phát triển rực rỡ. Những gì mà người ta nói về Nam bộ ngày nay thường chỉ giới hạn trong phạm vi trên dưới ba trăm năm. Người Việt di dân vào Nam có thể nói bắt đầu khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn nổ ra và sau đó là cuộc di dân thực sự vào thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ XVIII khi nhà Nguyễn nắm được chính quyền Đàng Trong và kêu gọi những người giàu có vào khai khẩn trên đất Đồng Nai, Gia Định.

    Nếu so với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của miền Bắc và hơn 700 năm của miền Trung thì 300 năm quả thật còn khá ngắn ngủi. Tuy nhiên, trong mấy trăm năm định hình và phát triển, Nam bộ đã tạo nên cho mình những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo và một bản sắc rất riêng so với các vùng miền khác.

    Người dân Nam Bộ yêu nước nồng nàn

     

    Yêu nước là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Nhưng đối với người dân Nam bộ, tính cách này được thể hiện một cách phóng khoáng, sinh động. Nó khác với lòng yêu nước của Nho giáo, không bị ràng buộc quá chặt chẽ vào “tam cương”, “ngũ thường”… Người dân chỉ trung thành với vua khi vua là đại diện cho lợi ích của dân tộc. Một khi vua phản bội lại quyền lợi của dân tộc, của nhân dân thì những sắc lệnh của vua có thể sẽ không được thi hành. Tinh thần yêu nước của người Nam bộ mang hơi hướm của hình tượng Lục Vân Tiên mà cụ Đồ Chiểu đã dày công xây dựng. Đó là một Trương Định với câu nói ngang tàng, khí phách nổi tiếng: “Triều đình không công nhận (cuộc kháng chiến của ta) nhưng nhân dân công nhận”. Đó là một Nguyễn Trung Trực không chịu đi nhận một chức vụ cao hơn theo lệnh của triều đình vì nhà Nguyễn muốn dẹp yên phong trào kháng chiến ở Nam bộ để lấy lòng chính quyền Pháp. Câu nói khẳng khái của ông được truyền tụng trong dân gian cho đến bây giờ: “Khi nào nước Nam hết cỏ mới hết người chống Tây”.

    Bên cạnh đó còn rất nhiều đại diện tiêu biểu khác như các nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa… Tất cả những tấm gương, những con người khí khái, hào sảng đó được mảnh đất Nam bộ nuôi lớn, hun đúc cho một ý chí, một tấm lòng để rồi chính tên tuổi họ còn lưu danh mãi khi người ta nói về Nam bộ.

    Con người Nam bộ vô lo vô nghĩ                              

    Với nguồn sản vật giàu có, hoa màu mọc quanh năm tươi tốt, lại hầu như không bao giờ bị thiếu đói hay rơi vào tình cảnh “giáp hạt” và càng không có bão lụt, hạn hán, mất mùa như người dân miền Trung hay miền Bắc,  dễ hiểu khi cư dân Nam Bộ thường “làm đến đâu ăn đến đó”. Người biết để dành thì cất được cái nhà, người không biết để dành thì cả để dành dụm một ít rồi tiêu pha. Ấy vậy mà mà người dân nơi đây vẫn vui tươi, tận hưởng trọn vẹn cuộc sống mỗi ngày, họ không quá chạy theo “nhà lầu, xe hơi”, nhưng là trân trọng những khoảnh khắc có tiền vừa đủ và có thời gian cho gia đình và bạn bè!

    Con người miền Nam hào phóng, hiếu khách

    Đây là một nét tính cách đặc trưng của người Nam Bộ. Trong tất cả các mối quan hệ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tính cách này luôn được bộc lộ một cách rõ ràng, sinh động và đầy tính nhân văn.

    Xin nêu một ví dụ đơn giản, chuyện quá giang là chuyện rất phổ biến. Nam bộ với hệ thống sông ngòi chằng chịt, phương tiện giao thông chủ yếu là đường thủy. Do đó, nhờ người đưa ngang sông hay nhờ một chiếc ghe lạ đưa đi một quãng đường là chuyện hết sức bình thường. Người quá giang bao giờ cũng được đối xử hết sức bình đẳng, hết sức tình người như cơm nước chủ ghe đãi, có thể sử dụng đồ dùng của gia chủ và đương nhiên khi chủ ghe mệt thì người quá giang cứ tự nhiên chèo chống tiếp sức.

    Hay trong gia đình, khi có khách đến nhà lúc nhà đang ăn cơm, chủ nhà mời mà khách từ chối thì hay bị hiểu lầm là khinh rẻ chủ nhà, đã ăn no rồi thì cũng nên ngồi vào mâm cùng ăn, gọi đùa là “ăn ba hột” lấy lệ cho vừa lòng chủ. Bao giờ cũng vậy, người dân Nam bộ luôn muốn dành những gì quý nhất, đẹp nhất trong đối nhân xử thế với hàng xóm, bạn bè và người thân của mình.

    Muốn hiểu rõ hơn về sự hiểu khách của người miền Nam, chúng ta cần phải nhìn lại lịch sử. Cụ thể, dưới thời chúa Nguyễn, nhà cửa dân cư rất thưa thớt, thôn này cách thôn kia có khi cả chục cây số. Chính vì dân cư thưa thớt, khoảng cách từ làng này đến làng kia khá xa, cho nên khi có ai đến thăm nhà thì chủ nhà rất quý vì có người chia sẻ, tâm sự theo kiểu nhu cầu “tám” ngày nay vậy. Có gà, vịt trong nhà thì đem làm thịt đãi hết cho thỏa lòng mến khách. Đây chính là một nét đẹp “dễ thương” không lẫn đi đâu được của người Nam bộ.

    Người Nam bộ bộc trực, thẳng thắn

    Người Nam bộ suy nghĩ đơn giản, nói chuyện cũng đơn giản, không văn hoa, không rào đón, không ẩn ý, không mỉa mai châm biếm sâu xa. Khi nói chuyện với người Nam bộ, ta có được cảm giác rất gần gũi, họ không câu nệ chuyện ngôi thứ, lớn nhỏ, giai cấp, bốn bể là nhà, tứ hải giai huynh đệ. Ngôn ngữ của người nông dân Nam bộ đậm vẻ hài hước, tinh tế thể hiện sự lạc quan, yêu cuộc sống. Chẳng hạn, người ta gọi túp lều xiêu vẹo của mình là “nhà đá”, tất nhiên không phải nó được xây bằng đá, mà khi đá một cái là nó sập ngay. 

    Tính tình của người Nam bộ rất thoáng, nhưng không dễ dãi. Chính vì vậy, người Nam bộ đi đâu cũng lập thân được. Mà chính người Nam bộ cũng sẵn sàng đón bạn bè khắp cả nước đến nơi đây lập thân, cùng chung tay xây dựng một thành phố phát triển, phồn thịnh và năng động nhất cả nước như ngày hôm nay.

    Con người Nam Bộ - trọng nhân trọng nghĩa

    Bất cứ người Nam bộ nào cũng đều rất coi trọng tình nghĩa. Kẻ bất nhân, bất nghĩa thì khó có cơ hội dung thân ở vùng đất này. Có rất nhiều câu thành ngữ nói về tính cách này của người Nam bộ: Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim; thương người như thể thương thân, thi ơn bất cầu báo… Trong ca dao Nam bộ cũng vậy:

    – Ngọc lành ai lại bán rao

    Chờ người quân tử em giao nghĩa tình

    – Lòng qua như đinh sắt

    Nguyện nói chắc một lời

    Qua không có dạ đổi dời như ai

    Lòng qua như sắt, nói chắc một lời

    Bạc tiền chẳng trọng chỉ trọng người tình chung.

    Đến xứ lạ, mấy ai được đem theo cả gia đình, họ hàng. Vì vậy nhiều người đến hết cuộc đời mình còn không thể gặp lại anh em ruột thì nói chi đến vóc dáng, hình hài của ông bà tổ tiên mấy đời trước. Thế là họ cùng nhau quần tụ lại, lập thành xóm thành làng, cùng nhau khai khẩn, cùng sát cánh với nhau trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ, trở thành “bà con một xứ”. Hàng xóm dù không thích nhau nhưng những khi tối lửa tắt đèn cần sự giúp đỡ thì họ cũng sẵn sàng. Muốn cất ngôi nhà mới cũng cần nhiều bàn tay góp sức vào, ma chay, cưới hỏi gì cũng có bà con chòm xóm đứng ra cáng đáng. Trước khi nên cửa nên nhà, ai mà chẳng trải qua một thời kỳ lưu lạc, tha hương cầu thực, ăn quán ngủ đình, trốn nợ, vì vậy thậm chí cả khi phạm tội cũng được chòm xóm bao che.

    Do vậy, người Nam bộ rất quý trọng, tin cậy bạn bè. Bạn bè sa sút, túng quẫn lại càng quý trọng hơn, cư xử tế nhị. Người Nam bộ thích làm quen với người nghèo, giúp đỡ kẻ sa cơ thất thế, ghét những kẻ thay lòng đổi dạ, xu nịnh quyền tước. Người dân ở đây thường nói đất lành thì chim đậu, đất hung dữ thì chim bay đi. Ai cậy nhiều tiền, tung tiền ra mướn với thái độ hách dịch, phách lối thì có chết đói cũng không thèm làm, khoái nhau rồi thì làm không công cũng sẵn sàng.

    Có thể nói, lịch sử Nam bộ dù có trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng dù thế nào đi nữa tính cách của người Nam bộ vẫn thế, ngày xưa hay bây giờ đều yêu nước nồng nàn, hào phóng, hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài, ngang tàng nhưng khẳng khái.

    Và ông Nguyễn Văn Ngon - CEO của 3 cty về các lĩnh vực vận tải đường bộ, bất động sản và xây dựng cũng vậy. Ông chính là người con của miền Nam Bộ thân thương, mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, đặc trưng của con người nơi đây: luôn nồng hậu, nhiệt tình, thẳng thắn cùng với lòng nhiệt thành hướng về sự phát triển của đất nước, về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện đời sống cho các đồng bào anh em nơi miền khó khăn. Một tấm lòng đẹp với những nghĩa cử cao đẹp được ghi danh tận nơi đấy lòng!

     

    Zalo
    Hotline