Đôi khi, điều tốt nhất bạn có thể nói, là "không nói gì"?

Đôi khi, điều tốt nhất bạn có thể nói, là "không nói gì"?
Ngày đăng: 16/08/2022 - Tác giả: Nguyễn Văn Ngon

    Có 3 thứ trong cuộc đời nếu đã đi qua thì không thể lấy lại được, đó chính là: thời gian, cơ hội và lời nói. Đúng vậy, một lời nói ra như “bát nước đổ đi”, có muốn hớt lại cũng không được. 

    Thật vậy, ngoài ấn tượng đầu tiên về ngoại hình, thì câu chào, lời nói chính là cách để bạn giới thiệu chính bản thân mình, để hình thành mối quan hệ giao tiếp giữa người với người. Chẳng vậy mà người xưa vẫn có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, ý câu này không chỉ mang ý nghĩa khuyên răn con người ta cần cẩn thận với những gì mình nói, mà còn nêu lên sức nặng của ngôn từ, câu chữ. Những câu từ chỉ vỏn vẹn vài chữ đó, có khi lại trở thành một con dao sắc bén nhất, cứa vào tim, chặt đi hy vọng của một người. 

    Chính vì tính chất đôi khi dễ dàng khiến đối phương tổn thương như vầy, nên nhiều người đã chọn “không nói gì”, thế nhưng, liệu “im lặng” như vậy có thật sự là “vàng” không?

    Trước tiên, “Im lặng là vàng” - Câu tục ngữ trước hết là lời khuyên quý báu nhắc nhở mỗi con người nên biết cách im lặng, để tránh những va chạm không cần thiết. Người xưa có câu: “Học nói thì chỉ mất hai năm, nhưng học im lặng thì phải mất cả đời!”, và đó cũng là lý do mà mỗi người lại có hai cái tai để nghe nhưng chỉ có một cái miệng để nói.

    Sư im lặng, nhường nhịn là cần thiết để giải tỏa căng thẳng, để các bên có thêm thời gian suy nghĩ, từ đó cùng nhau giải quyết vấn đề. Sự im lặng còn có một ý nghĩa khác, đó là thể hiện thái độ (bao gồm cả thái độ khinh miệt; giận dữ; hối lỗi..) của bản thân. Ở đây, sự im lặng có giá trị ngang với cả ngàn lời nói.

    Tuy nhiên, cũng không thể không đề cập đến một khía cạnh khác liên quan đến sự vận dụng một cách tiêu cực câu tục ngữ này trong cuộc sống hiện đại. Sự sợ hãi, sợ trách nhiệm, sợ liên lụy, sợ vất vả, sợ bị trách cứ đã biến các bên tham gia thành những cá thể thụ động. Họ hoặc là tự gật đầu với tất cả các quyết định của cấp trên, làm thinh trước hành động sai trái của bạn bè, đồng nghiệp; làm ngơ trước những bất công mà một thời, họ được dạy rằng phải đấu tranh, phải dũng cảm chống lại nó.

    Cuối cùng, những cá thể này, sau một thời gian dài “im lặng’, trở nên tự thỏa hiệp với chính bản thân mình. Đối với họ, sự im lặng trong những trường hợp này cũng được sánh với “vàng”. Nhưng liệu đấy có thật sự là “vàng”?

    Với tình yêu, sự im lặng sẽ càng làm gia tăng sự tổn thương cho người mà ta yêu quý. Không chỉ có thế, khi ta hiểu rõ người khác làm sai, lại không can ngăn thì trở thành người vô đạo đức. Hay nhiều khi bản thân ta cần có người san sẻ khi gặp chuyện khó khan, bế tắc trong cuộc sống thi giao tiếp với mọi người là cách duy nhất để giải tỏa.

    Có nhiều cuộc tranh luận ở một thời điểm nào đó, chúng ta cần thẳng thắn, đối điện với đối phương để bày tỏ quan điểm của mình, nếu cả hai bên cùng không nói, có khi mâu thuẫn càng tăng lên chứ không giảm đi. Hơn nữa, có trường hợp chúng ta biết có tội ác đã diễn ra nhưng im lặng thì vô tình ta trở thành đồng phạm và phải đứng trước bản án lương tâm cũng như pháp luật. Nhiều vụ án thương tam xảy ra trong thời gian qua cũng vì con người chúng ta luôn im lặng, bày tỏ thái độ thờ ơ.

    Có những sự việc sẽ không trở nên rắc rối hơn nếu chúng ta chịu mở lòng, trao đổi và chia sẻ với nhau. Nhiều khi sự im lặng không phải là tốt mà là trở thành sự đồng lõa, cổ vũ âm thầm cho cái xấu hoành hành. Bởi lẽ trong xã hội hiện đại: xã hội ngày càng tệ đi không phải vì sự gia tăng của kẻ xấu mà bởi vì sự im lặng của những người tốt. Im lặng là để lắng nghe, để suy xét mọi việc một cách thấu đáo hơn chứ không phải là vô tâm, vô cảm.

    Không chỉ trong cuộc sống, tình yêu, hay mối quan hệ giữa người với người, ngay cả trong kinh doanh, sự im lặng cũng là sự thông minh dựa vào tình huống. Như ông Ngon - CEO Trung Tín đã nói: người làm sếp cần biết chuyện gì nên nói, khi nào nên nói và đối tượng mình muốn nói là ai, và quan trọng là biết "im lặng khi cần". Đó là khi biết im lặng để lắng nghe ý kiến đa dạng từ nhân viên, im lặng để chấp nhận những góp ý, im lặng để nhìn ra thiếu sót và tìm phương hướng thay đổi nó, hay im lặng để bảo mật thông tin khách hàng, giữ được đạo đức nghề nghiệp,...tuy nhiên, cũng cần phải biết lên tiếng khi cần, nhằm đưa ra, bảo vệ ý kiến của mình, để tranh luận và cùng phát triển.

    Thật vậy, im lặng không phải lúc nào cũng là vàng, và tôi cũng muốn dẫn lại một câu tục ngữ khác “Lửa thử vàng, gian nan thử sức mạnh”. Vàng muốn thật phải được thử lửa. Niềm tin muốn có phải được thau rửa qua thời gian. Vậy nên, chúng ta hãy im lặng khi thực sự cần thiết, nhưng đừng bao giờ im lặng trước sự bất công, trước những hành động sai trái đi ngược với chuẩn mực của xã hội, trước những tư tưởng cực đoan mưu lợi ích cá nhân. Có vậy, sự im lặng mới là vàng đúng nghĩa. Sự im lặng đó mới thực sự giá trị cho tất cả các bên.

    Zalo
    Hotline