Phong cảnh, con người miền Nam 150 năm trước qua ảnh

Phong cảnh, con người miền Nam 150 năm trước qua ảnh
Ngày đăng: 27/08/2022

    Một số địa danh, nhân vật nổi tiếng của miền Nam 150 năm trước có trong bộ sưu tập ảnh của bác sĩ Pháp J.C. Baurac.

     

     

    Bộ sách Nam Kỳ và cư dân (tập 1 về các tỉnh miền Tây và tập 2 về các tỉnh miền Đông) của bác sĩ thuộc địa hạng nhất J.C. Baurac là bộ tư liệu đồ sộ hơn 1.100 trang với nhiều hình ảnh, dày đặc thông tin và kèm theo những đánh giá về cơ hội phát triển của xứ Nam Kỳ lúc bấy giờ.

     

     

    Với thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương của Nam Kỳ, được tiếp xúc với người dân bản xứ và quan chức thuộc địa cả người An Nam lẫn người Pháp, J.C. Baurac đặc biệt thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất này, cùng với đó là khả năng tiếp cận những dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử… Hầu hết ảnh trong sách do Baurac tự chụp hoặc sưu tầm từ các nhiếp ảnh gia. Trong ảnh là tranh khắc đồn Rạch Tra (tức Tây Thới). Ảnh: Tableau de la Cochinchine (Bức tranh về Nam kỳ), Paris, 1862, tr.xij-xiij.

     

     

    Tập 1 bộ sách có tên Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây gồm 2 phần. Phần 1 giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh xưa): ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động - thực vật đa dạng, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh/nhân vật nổi tiếng… Trong ảnh là gia thất của Trương Vĩnh Ký ở Chợ Lớn do Émile Gsell chụp, khoảng năm 1870. Ảnh thuộc bộ sưu tập của Terry Bennett.

     

     

    Phần 1 tập 1 sách cũng dành những phần nội dung trang trọng để giới thiệu về Chợ Lớn và Sài Gòn. Qua đây bạn đọc có thể tham khảo về lịch sử hình thành và phát triển của nơi này từ một thành lũy quân sự cổ, rồi đến thời Gia Long, Minh Mạng cho đến thời Pháp thuộc… và hiểu được lý do Sài Gòn nắm giữ vị trí quan trọng như chúng ta thấy ngày nay). Ảnh sông Sài Gòn, bên trái là cột cờ Thủ Ngữ. Công trình này được xây dựng năm 1865, khi mới hình thành có chức năng làm cột tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Émile Gsell (1838-1879).

     

     

    Phần thứ hai, tập 1 giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu). Ảnh một cảnh sinh hoạt của người Nam Kỳ do J.C. Baurac chụp.

     

     

    Đa phần hành trình của tác giả là đi dọc theo hệ thống sông nước kênh rạch chằng chịt của Tây Nam Kỳ, do vậy những gì thấy được đã khích lệ ông mày mò tìm hiểu dữ liệu hành chính và đọc thêm nhiều tài liệu của các tác giả khác để viết nên cuốn sách. Trong ảnh là một ngôi làng Gò Vấp, gần Sài Gòn. Ảnh: Émile Gsell (1838-1879).

     

     

    Trong tập 2 bộ sách mang tên Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông, bên cạnh việc đi thẳng vào việc giới thiệu các hạt thuộc miền Đông Nam Kỳ, Baurac còn đề cập tiêm chủng. Đây chính là một phần việc của Baurac ở thuộc địa Nam Kỳ. Qua quá trình tiêm chủng Baurac cho thấy thống kê dân số ở Nam Kỳ bấy giờ không ổn, số dân thực tế cao hơn nhiều. Ảnh một buổi tiêm chủng ở Nam kỳ, thập niên 1890.

     

     

    Hành trình khảo sát dịch tễ của bác sĩ Baurac vào thời điểm cuối thế kỷ XIX không chỉ góp phần giúp nghiên cứu cải thiện tình trạng vệ sinh, khắc phục vấn đề dịch bệnh thông qua phương thức tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh… mà còn giúp ông tiếp xúc và thu thập được nhiều thông tin và dữ kiện hỗ trợ việc lập thành một bộ sách địa chí hữu ích cho người Pháp một thuở, và cho cả người Việt chúng ta, xưa cũng như nay. Ảnh Vaïco, sà-lúp tiêm chủng của miền Đông. Ảnh: J.C. Baurac.

     

     

    Những nhân vật của Nam Kỳ thời kỳ này cũng được nhắc đến trong cuốn sách. Thầy Thông Chánh (tên thật Nguyễn Văn Chánh), sinh tại Trà Vinh, theo đạo Thiên chúa. Thầy được học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Latin từ nhỏ (lại có tài liệu cho rằng thầy đã từng qua học bên Pháp) nên khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, thầy được mời ra làm thông ngôn. Vợ thầy rất đẹp khiến viên biện lý người Pháp là Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, ngày 14/5/1893, Thầy Thông Chánh đã dùng súng bắn chết viên biện lý Pháp nên bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án tử hình ngày 19/6/1893 và bị xử tử vào ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.

    Zalo
    Hotline